Lịch sử Viện_đại_học

Bài chi tiết: Lịch sử giáo dục

Những viện đại học ban đầu

Viện Đại học Paris, thường gọi là La Sorbonne, ở Paris, Pháp, thế kỷ 17.

Các viện đại học hiện đại có nguồn gốc từ các trường học thời trung cổ gọi là studium generale (nơi học tập chung), thu nhận sinh viên từ khắp châu Âu. Những trường ra đời sớm nhất vốn được thành lập nhằm đào tạo các giáo sĩ và tu sĩ với chương trình học rộng hơn những gì được dạy trong các trường của tu viện và nhà thờ chính tòa. Việc thu nhận các học giả ngoại quốc vào học khiến cho các studium trở nên khác biệt so với các trường học khai sinh ra nó.[2]

Cơ sở giáo dục phương Tây đầu tiên có thể được gọi là viện đại học là một trường y khoa nổi tiếng thành lập ở Salerno, Ý, vào thế kỷ thứ 9. Trường này thu hút sinh viên từ khắp châu Âu. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là một trường y khoa. Viện đại học thực sự đầu tiên là Viện Đại học Bologna thành lập ở Bologna, Ý, cuối thế kỷ 11. Nó trở thành một cơ sở giáo dục được nhiều người kính trọng, nhất là trong lĩnh vực luật tôn giáo và luật dân sự. Viện đại học đầu tiên ra đời ở Bắc ÂuViện Đại học Paris, thành lập trong khoảng 1150 đến 1170. Viện đại học này nổi tiếng về giảng dạy thần học, và nó trở thành hình mẫu cho các viện đại học khác ở Bắc Âu, chẳng hạn như Viện Đại học OxfordAnh thành lập vào cuối thế kỷ 12. Các viện đại học Paris và Oxford bao gồm các trường đại học vốn là nơi ở dành cho các học giả.[2]

Những viện đại học ban đầu này là những đoàn thể sinh viên và giảng viên, được các giáo hoàng, hoàng đế, và nhà vua ban quyền. Viện Đại học Napoli, do Hoàng đế Frederick II thành lập vào năm 1224 ở Ý, là cơ sở đầu tiên được thành lập dưới thẩm quyền của một hoàng đế, trong khi Viện Đại học Toulouse, do Giáo hoàng Grêgôriô IX lập ra vào năm 1229 ở Pháp, là cơ sở đầu tiên được thành lập qua một sắc lệnh của giáo hoàng. Những viện đại học này được quyền tự trị, miễn là họ không dạy vô thầndị giáo. Sinh viên và giảng viên cùng nhau tự bầu ra viện trưởng. Tuy nhiên, như cái giá phải trả cho sự độc lập, họ phải tự lo kinh phí. Do đó mà các giảng viên phải thu học phí, và để đảm bảo cuộc sống, họ phải làm hài lòng sinh viên. Những viện đại học ban đầu này không có những tòa nhà cố định và có rất ít tài sản chung, do đó mà các sinh viên và giảng viên bất mãn có thể chuyển đến nơi khác và thiết lập một nơi học tập mới. Lịch sử Viện Đại học Cambridge bắt đầu như thế vào năm 1209 khi có một số sinh viên bất mãn chuyển từ Oxford đến Cambridge; hai mươi năm sau, Oxford đón nhận những sinh viên từ Viện Đại học Paris chuyển sang.[2]

Từ thế kỷ 13 trở đi, các viện đại học được thiết lập ở nhiều thành phố lớn ở châu Âu: Montpellier (đầu thế kỷ 13) và Aix-en-Provence (1409) ở Pháp; Padua (1222), Rome (1303), và Florence (1321) ở Ý; Salamanca (1218) ở Tây Ban Nha; Prague (1348) và Viên (1365) ở Trung Âu; Heidelberg (1386), Leipzig (1409), Freiburg (1457), và Tübingen (1477) ở phần đất nay là nước Đức; Louvain (1425), nay thuộc Bỉ; và Saint Andrews (1411) và Glasgow (1451) ở Scotland. Cho đến cuối thế kỷ 18, hầu hết các viện đại học có chương trình học cốt lõi dựa trên bảy môn khai phóng (tiếng Anh: liberal arts): ngữ pháp, luận lý học, hùng biện, hình học, số học, thiên văn học, và âm nhạc. Sinh viên tốt nghiệp sau đó theo học ở một trong những phân khoa chuyên nghiệp về y khoa, luật, và thần học. Các kỳ thi cuối khóa cực kỳ khắc nghiệt, hầu hết sinh viên thi rớt.[2]

Cải cách Tin Lành và Phản Cải cách ở châu Âu

Đài quan trắc trong khuôn viên Viện Đại học Göttingen.

Phong trào Cải cách Tin Lànhthế kỷ 16 cùng hệ quả của nó là phong trào Phản Cải cách đã ảnh hưởng đến các viện đại học ở châu Âu theo những cách khác nhau. Ở các bang của nước Đức, các viện đại học mới của những người theo Tin Lành được thành lập, những cơ sở giáo dục cũ cũng bị những người Tin Lành tiếp quản; trong khi nhiều viện đại học của Công giáo Rôma trở thành những người bảo vệ kiên định nền học tập truyền thống gắn liền với Giáo hội Công giáo. Đến thế kỷ 17, cả các viện đại học Công giáo lẫn các viện đại học Tin Lành đều trở nên quá chú tâm đến việc bảo vệ các giáo lý tôn giáo và do đó thiếu quan tâm đến khoa học, một chủ đề bắt đầu phát triển khắp châu Âu. Những môn học mới không được khuyến khích, do vậy nhiều viện đại học trên đà đi xuống. Tuy vậy, những cơ sở giáo dục mới tiếp tục được thiết lập trong khoảng thời gian này, bao gồm những viện đại học ở Edinburgh (1583), Leiden (1575), và Strasbourg (1621).[2]

Viện đại học hiện đại đầu tiên ra đời ở Halle, Đức, do những người theo phái Luther thành lập vào năm 1694. Đây là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên từ bỏ mọi giáo điều tôn giáo chính thống, và chỉ chú tâm nghiên cứu tri thức duy lý và khách quan. Đây là viện đại học đầu tiên mà giảng viên giảng bài bằng tiếng Đức (ngôn ngữ bản địa) thay vì tiếng La-tinh. Những đổi mới của Viện Đại học Halle (nay là Viện Đại học Halle-Wittenberg) sau này được Viện Đại học Göttingen (1737) cũng như hầu hết các viện đại học khác ở Đức và nhiều viện đại học ở Hoa Kỳ đón nhận.[2]

Vào cuối thế kỷ 18thế kỷ 19, tôn giáo dần dà mất đi vị thế thống trị khi các viện đại học châu Âu trở thành các cơ sở học tập và nghiên cứu hiện đại, chương trình giảng dạy và hoạt động quản trị trở nên thế tục hóa. Những xu hướng này tiêu biểu ở Viện Đại học Berlin (1809), nơi mà người ta nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thay vì phỏng đoán; những giáo điều thần học và triết học, và những giáo điều truyền thống khác được xem xét dưới cái nhìn khách quan và nghiêm túc. Đây cũng là nơi tiên phong trong việc thiết lập những tiêu chuẩn hiện đại về tự do học thuật. Mô hình viện đại học của Đức như là một phức hợp các trường sau đại học thực hiện nghiên cứu cao cấp đã tạo ảnh hưởng ra khắp thế giới.[2]

Những viện đại học đầu tiên ở Tây Bán Cầu

Một góc khuôn viên Viện Đại học CornellIthaca, New York, Hoa Kỳ.

Những viện đại học đầu tiên ở Tây Bán Cầu do những người Tây Ban Nha thiết lập: Viện Đại học Santo Domingo (1538) ở phần đất nay là Cộng hòa Dominica và Viện Đại học Michoacán (1539) ở México. Những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Hoa Kỳ là các trường đại học hệ bốn năm: Harvard (1636), William & Mary (1693), Yale (1701), Princeton (1746), và King’s College (1754; nay là Viện Đại học Columbia). Hầu hết những trường đại học Hoa Kỳ đầu tiên do các hội đoàn tôn giáo thành lập, và hầu hết sau đó phát triển lên thành những viện đại học thực sự. Một trong những viện đại học lâu đời nhất ở CanadaViện Đại học Toronto, được thành lập với tên King’s College vào năm 1827.[2]

Khi Hoa Kỳ mở rộng biên cương về phía Tây, hàng trăm trường đại học mới được thành lập. Các trường và viện đại học Hoa Kỳ có xu hướng theo mô hình của Đức, mong muốn kết hợp lý tưởng tự do học thuật với truyền thống bản địa nhấn mạnh đến việc mang lại cơ hội giáo dục cho nhiều người. Những cơ sở giáo dục như vậy ở Hoa Kỳ phát triển nở rộ nhờ Luật Morrill ban hành vào năm 1862, theo đó chính quyền liên bang cấp đất cho các tiểu bang để thành lập mới những cơ sở giáo dục chuyên về cơ khínông nghiệp. Nhiều "trường đại học được cấp đất" ra đời từ điều luật này, rồi trong số đó phát triển nên Viện Công nghệ Massachusetts, Viện Đại học Cornell, và các viện đại học công lập ở Illinois, Wisconsin, và Minnesota.[2]

Tái tổ chức, thế tục hóa, và hiện đại hóa

Một tòa nhà trong khuôn viên Viện Đại học TokyoNhật Bản.

Một số nước châu Âu trong thế kỷ 19 đã tái tổ chức và thế tục hóa các viện đại học của mình, đáng chú ý có các nước Ý (1870), Tây Ban Nha (1876), và Pháp (1896). Các viện đại học ở các quốc gia này và những nước châu Âu khác trở thành những cơ sở nhận kinh phí từ nhà nước là chủ yếu. Phụ nữ bắt đầu được thu nhận vào các viện đại học trong nửa sau thế kỷ 19. Trong khi đó, chương trình học của các viện đại học cũng tiếp tục thay đổi. Ngôn ngữvăn học hiện đại được thêm vào, và trong nhiều trường hợp hất cẳng, La-tinh, tiếng Hy Lạp, và thần học. Các ngành khoa học như vật lý, hóa học, sinh học, và kỹ thuật cũng được đưa vào chương trình học, và đến đầu thế kỷ 20 thì các ngành học mới như kinh tế học, khoa học chính trị, tâm lý học, và xã hội học cũng được giảng dạy.[2]

Vào cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20, Anh và Pháp thiết lập các viện đại học ở nhiều trong số những thuộc địa của mình ở Nam Á, Đông Nam Á, và châu Phi. Hầu hết các quốc gia độc lập khai sinh từ những thuộc địa này giữa thế kỷ 20 mở rộng hệ thống viện đại học của họ theo các mô hình của châu Âu hay Hoa Kỳ, thường với sự trợ giúp kinh tế và kỹ thuật từ những nước trước đây là chủ thuộc địa, các nước công nghiệp, và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới. Các viện đại học ở Nhật Bản, Trung Quốc, và Nga cũng thay đổi do yêu cầu hiện đại hóa. Ở Ấn Độ, một số viện đại học được ra đời trước khi nước này độc lập, chẳng hạn như Viện Đại học Banaras Hindu (1916) và Viện Đại học Visva-Bharati (do Rabindranath Tagore thành lập năm 1921), được thiết lập như là những mô hình thay thế cho mô hình của phương Tây. Các viện đại học (hay trường đại học tổng hợp) quốc gia ở Moskva (1755) và St. Petersburg (1819) là những cơ sở giáo dục được thiết lập lâu đời và vẫn giữ được vị thế sáng giá của mình ở Nga. Viện Đại học Tokyo (1877) và Viện Đại học Kyōto (1897) là những cơ sở giáo dục danh tiếng ở Nhật; ở Trung Quốc thì có Viện Đại học Bắc Kinh (1898).[2]

Những viện đại học hiện đại

Các viện đại học hiện đại có thể được các chính quyền quốc gia, chính quyền bang, hay chính quyền tỉnh chu cấp tài chính, hoặc phụ thuộc phần lớn vào số tiền học phí do sinh viên đóng. Một viện đại học nội trú hiện đại điển hình có thể có hơn 20.000 sinh viên, gồm các sinh viên bậc đại học và sau đại học trong toàn bộ các ngành nghệ thuậtnhân văn, toán, khoa học xã hội, các ngành khoa học vật lý, sinh họctrái đất, và nhiều lĩnh vực công nghệ. Các viện đại học không phải nội trú, ảo, và mở có thể có nhiều hơn 100.000 sinh viên theo học các khóa học để lấy văn bằng hoặc học mà không lấy bằng. Một số các viện đại học này dựa theo mô hình của Viện Đại học Mở (Open University, 1969) ở Anh. Các viện đại học là nhà cung cấp chính các chương trình đào tạo bậc sau đại học trong hầu hết các lĩnh vực chuyên nghiệp.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Viện_đại_học http://www.stlhe.ca/awards/3m-national-teaching-fe... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/179408/e... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/2591/aca... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/618194/u... http://books.google.com/books/about/The_Community_... http://www.thuvienphatgiao.com/buddhistbook/detail... http://www.usnews.com/education/top-world-universi... http://www.hanoi.diplo.de/Vertretung/hanoi/vi/09-k... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/ http://sunsite.berkeley.edu/uchistory/archives_exh...